Please wait

Read this article in English

Đức Thầy Lương Sĩ Hằng thuyết giảng 

tại Thiền đường Đức Hạnh (1988) Đức Quốc

Trực chỉ chơn tâm kiến tánh, thấy cái tội sai lầm của mình, mình sửa  mới thành Phật.

 

Ông vua còn phải cạo trọc đầu đi tu mà. 

Ông vua thiếu điều kiện gì mà ổng phải đi tu? Ông vua mà ổng cạo trọc đầu ổng đi tu.

Thấy rõ chưa? Thế lực chánh trị nắm trong tay mà đi tu. 

Bởi vì ổng thấy không vững. Ổng cứu ổng không được làm sao cứu dân? Ông bác sỹ mà còn đi tu, tại sao? Ổng cứu ổng không được. Ổng biết đủ thứ thuốc chích kim cho người ta mà ổng chích kim cho ổng không được. Rốt cuộc con người tu mới trả được cái nghiệp trong tâm, mới trả được món nợ trần gian. Món nợ trần gian là ai? Cha mẹ sanh thành, Trời Đất cấu tạo, ăn uống mặc, ăn mặc nhà ở, xe hơi đi, là tất cả nhân loại vì chúng ta, chúng ta đâu có đền ơn?

Chỉ có tu mới đem được cái thanh khí hòa hợp với vũ trụ. Mới làm cho các nơi được yên ổn, mới trả hết nợ. Chứ còn chuyện đời, nói tôi lấy đồng tiền này tôi trả đồng tiền kia, trả đi trả lại, rồi cũng có cái khác nó dính à. Tay mặt đi, rồi tay trái với lại. Rồi tay trái đi, tay mặt với lại. Cứ vậy nó kẹt hoài. Chuyện làm ăn là nó vậy đó. Chỉ có tu là mới giải quyết được. Mà tu là tu một cách khứ trược lưu thanh. Chớ tu mà nói cái miệng tu mà trong tâm thiếu tu, cái đó là tu giả, tu hú, cái đó không được. Tu phải thực tâm sửa, mà nhìn nhận sự sai lầm của chính mình để tiến tới sự thanh nhẹ và không có bận tâm nữa. Mình còn dấu giếm một chút là mình rước bụi vào tâm. Làm sao mình có yên? Mình mở ra hết thì nó yên.

Tôi không có gì hết. Và tôi không tái phạm nữa kìa, mới thật sự yên. Tôi mở nó ra được mà tôi không tái phạm nữa tôi mới yên. Đó, thì mới kêu đi tới chỗ tự cứu. Rốt cuộc mọi người phải tự cứu bằng cách đó. Nếu mà không tự cứu bằng cách đó thì chỉ bị lệ thuộc bởi ngoại cảnh, rồi đau khổ triền miên mà thôi. Lệ thuộc bởi sự tranh chấp của tứ quan, mắt mũi tai miệng, hướng về ngoại cảnh, hướng về cái đẹp của ngoại cảnh, rồi minh luận cái đẹp của ngoại cảnh là gạt mình rồi, không hay. Chứ mình là đẹp nhất. Mình trở về với thanh tịnh và sáng suốt là đẹp nhứt. Mình nắm được cái chủ quyền. Tu mà không trở về với thanh tịnh và sáng suốt thì đâu có nắm chủ quyền. 

Nắm được chủ quyền thì mình biết mình là dân tộc nào. Mình thấy mình con của Thượng Đế. Thiên thượng nhân gian di ngã độc tôn. Bây giờ tất cả con nhìn quần áo con thấy người ta làm không? Mà thể xác của con mà không có nguyên khí của càn khôn vũ trụ, mẹ làm sao sanh con ra? Thiên thượng nhân gian di ngã độc tôn. Vì cái phần hồn con mà cấu trúc cái thể xác này, để cho con ngự đó. Con đang ngự trong cái thể xác này, tương đồng với vũ trụ, mà sức mạnh của con là “Tha Thứ và Thương Yêu”. Nếu mà con biết tha thứ mọi người, con thương yêu mọi người, thì cái gia đình con vui lắm. Không có bận rộn nữa. Lúc nào cũng không sao hết, không mất mà chả còn, lúc nào cũng giữ cái trung dung để thăng hoa. Thì không có bị kẹt. 

Cái tâm thức lúc nào cũng mở hết. Biết được con, con mới vì mọi người. Mà con không biết được con, con lấy cái giá trị gì,  vị trí con ở đâu mà con vì mọi người? Thấy hông? Cho nên phải tu là vậy. 

Tu để hiểu vị trí của chính mình. Cái hồn đang làm chủ cái xác, không phải xác làm chủ cái hồn. Cái xác chỉ tạo sóng sông mê mà thôi. Cái hồn là chánh. Bận cái áo cho đẹp, bới cái tóc cho đẹp, rồi anh kia ảnh thấy ảnh mê vậy thôi. Là tạo sóng sông mê. Cái chánh nó không phải vậy. Khi mà vợ chồng lấy nhau, ở chung rồi nó cãi lộn. Cái chánh nó đụng nhau nó mới cãi lộn. Cho nên phải hiểu cái chánh với cái tà ngay trong mình mình. Cái xác ở bên ngoài là giả, không có sự thật. Mà cái chơn tâm là thật. Cho nên người ta tu tu tu, để chi? Để giải cái phàm tâm, trở về chơn tâm.

Mà trực chỉ chơn tâm kiến tánh, thấy cái tội sai lầm của mình, mình sửa  mới thành Phật. Kêu bằng tận độ chúng sanh. Tánh của con mà sửa được, con sẽ tận độ người khác. Cũng ở trong đó mà ra. Cho nên ông Phật ổng làm một việc cho tất cả mọi việc tới ngày hôm nay. Mà chúng sanh đọc kinh lẻo lẻo mà không hiểu ông Phật nói cái gì hết. Có bao nhiêu đó mà không về với Phật được. Hiểu được ông Phật nói rồi là ta không có động nữa. Ta chiêm ngưỡng và thực hành, dấn thân hy sinh đạo đức. Là chết nhẹ nhàng đi về ông Phật. Nhiều người, người ta đâu có tu, không bận áo thầy chùa, mà cũng không có tham thiền, không có gì hết, mà người ta dấn thân. Cái gì khó người ta nhảy vô người ta giúp. Người ta hy sinh tánh hư tật xấu, không có nghĩ cái chuyện giận hờn bất cứ ai hết. 

Thương yêu tha thứ. Thấy hông? Họ thể hiện cái đạo đức. Ai cũng mến, ai cũng thương.  Lúc họ chết họ được thăng hoa. Họ được về Trời. Nhẹ lòng Trời mà nặng lòng Đất. Có gì đâu. Mà tâm hồn mình luôn luôn nặng trược vì sự tranh chấp làm sao mình tiến? Mà tâm hồn mình luôn luôn cởi mở, mình nhìn cái hoa, mình thấy nó cũng là bạn của mình, nhưng mà cái tuổi nó chỉ tới đó, rồi nó cũng sẽ tiến hóa, mình nhìn cái cây trong rừng nó cũng có cảnh khổ của cái cây. Có cây nào sung sướng đâu mà mình nói tôi đi xem cảnh. Xem mình là cảnh đây mà mình không xem. Phim mình đã đóng biết bao nhiêu cuốn, mà mình không quay lại coi. Vừa đạo diễn, vừa làm kép, vừa làm đào, mà không coi. Coi phim chưởng không hà. Còn phim của mình không coi. Cái tuồng của mình cũng lâm ly lắm. Cũng tình ái cũng đủ chuyện hết, mà không chịu. Chịu xem lại cái phim của mình rồi, cái tâm mới thức.

Khi thức tâm rồi mới chịu sửa lại trật tự. Mà trở lại trật tự con người là hưởng hạnh phúc rồi. Con người mất hạnh phúc vì mất trật tự. Mà trở lại với trật tự rồi con người mới đạt được hạnh phúc rõ ràng. Cho nên người ta mượn cái pháp thiền để người ta lập lại trật tự. Rồi người ta xây dựng cái mầm mống nhịn nhục gia cang từ kích động mà đi tới thuận hòa, thanh tịnh.