Please wait

Read this article in English

Tiểu Sử Cụ Đỗ Thuần Hậu  (Trích Sách "Phương Pháp Công Phu - Thực Hành Tự Cứu)

Cụ Đỗ Thuần Hậu sinh năm 1883 tại quận Lai Vung, tỉnh Sa Đéc, Việt Nam. Thân phụ là cụ Đỗ Hạo Cừu, Phó Tổng An Thới dưới thời Pháp thuộc. Thân mẫu là cụ Đào Thị Bòi. Lúc lên 9 thì mẹ mất, Cụ phải ở với cha và bà kế mẫu cho đến khi lớn. 

Sau khi lập gia đình được vài năm, Cụ mới tách ra ở riêng. Cũng vì hoàn cảnh khổ sở thời đó, Cụ phải học nhiều nghề để sinh sống và nuôi gia đình. Cụ đã học qua các nghề thuốc Bắc, thuốc Nam, làm bùa Lỗ Ban, coi quẻ, thợ mã, thợ nhuộm, thợ sơn, ... Khi sửa soạn lập gia đình, Cụ phải đi dạy thêm tiếng Việt và tiếng Pháp cho trẻ em trong làng để có tiền lấy vợ. Cụ có được 8 người con: 1 trai và 7 gái. Người con trai trưởng của cụ là ông Đỗ Vạn Lý, từng là Sứ Thần tại Ấn Độ và cựu Đại Sứ tại Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ông cũng từng giữ chức Tham Lý Minh Đạo trong cơ quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo, Việt Nam. 

Vì lúc thiếu thời, cụ Đỗ Thuần Hậu gặp nhiều hoàn cảnh éo le, nên cũng suy xét về cuộc đời và kiếp người; do đó Cụ quyết tâm tầm đạo. Sau khi tu theo ông Cao Minh Thiền Sư một thời gian, Cụ vẫn chưa hoàn toàn hài lòng vì vẫn chưa được giải đáp hết thắc mắc. Cụ trở về gia đình và tự nghiên cứu thêm Pháp Lý Vô Vi. Trong thời gian này, nhiều lúc Cụ định thần và thường thấy hình Đức Phật hiện ra trên vách. Cụ lấy làm lạ nên càng cố công tu luyện. Lúc khởi công tu thì Cụ đã 55 tuổi, tâm không sợ chết, sợ nghèo đói, Cụ quyết chí tu để xuyên phá bức màn Vô Vi bí mật hầu tiếp xúc với Pháp Lý Vô Vi Khoa Học Huyền Bí Phật Pháp. Cụ đã xuất hồn về cõi Vô Vi và đã được học đạo trực tiếp với Đức Phật như lời Cụ đã tự thuật trong quyển “Phép Xuất Hồn.” 

Cụ Đỗ Thuần Hậu (thường được gọi là Ông Tư) đã truyền dạy lại cho ông Lương Sĩ Hằng (thường được gọi là Ông Tám) để tiếp nối công việc truyền bá đạo pháp. Cụ mất ngày 12 tháng 11 năm 1967 (nhằm ngày 11 tháng 10 năm Đinh Mùi) thọ 84 tuổi (85 tuổi ta). Các tác phẩm của Cụ để lại là Đời Đạo Song Tu, Phép Xuất Hồn, Mơ Duyên Quái Mộng (Quái Mộng Kỳ Duyên), Tình Trong Bốn Bể (Điểu Sào Thiền Sư), Kinh A Di Đà, và Sấm Tu Hành. 

 

Trích sách “Kinh A Di ĐÀ - Phần 2 - Vấn Đáp”, Tác Giả: Cụ Đỗ Thuần Hậu 

VẤN:             Ông là người ở trần tại sao ông tu?

ÐÁP:           Từ lúc tôi 45 tuổi. Người Pháp cai trị, trong lúc nước mất nhà tan, tôi đứng làm người trong thời ấy. Tôi thấy nào bực Phú Gia, nào Quan Lại từ bực Thượng đến bực Trung, thì tôi biết nhiều phần hiếp đáp xâu xé người, giàu sang, quan lại cũng thế đó thôi, còn hạng thấp thì cũng tham lam, gian trá, sân si. Rồi cũng người này hiếp người kia, sanh thù oán, giết lẫn nhau. Còn trong gia đình thì vì tiền của tham lẫn xâu xé, con không kể cha, cho đến nỗi anh em cũng thế. Lúc ấy tôi dựa theo quan lại để tầm bắt kẻ gian và điều tra những người hung dữ đâm chém đủ điều, nhưng tôi dòm lại thấy hồn oan cáo báo cho tôi biết và xưng tên tuổi đúng không sai.

Khi ấy tôi buồn, bỏ các việc làm, ra làm một anh điền chủ thường tình và tầm kiếm con đường giải thoát cái đời của tôi cho khỏi sự bỉ ổi ấy không có chi hơn là sự đi tu để tránh những điều dối trá. Trái lại tôi có gia đình đông con, nhưng thấy trong nhà Phật, Thiền Lâm tuyên bố phải ly gia cắt ái nếu không tu thì không thành Phật, còn ở nhà niệm Phật tụng kinh cho là không thành vấn đề. Bởi thế tôi suy nghĩ đủ điều, nếu không đời sao có đạo?... Khổ ôi là khổ!...

Khi tôi nghĩ rồi bước ra đi ta bà, nào là chùa chiền, nào là núi non để đi tầm đạo. Lúc tôi gặp được Ông Cao Minh Thiền Sư dạy đạo, tôi quy y cùng Ông, gọi là đạo Vô Vi, xuất chưởng Anh Nhi, tu tâm dưỡng tánh, ở nhà làm lấy ăn để tu.

Nhưng tôi thấy Vô Vi chưởng Anh Nhi thì cũng được, nhưng đàn ông thì không máy sanh dục đựng con, làm sao làm được. Nhưng tôi cũng mượn phần ấy, rồi nhờ sự nghiên cứu thiêng liêng, để cứu xét. Khi ấy tôi hiểu rõ cư trần là nhiễm trần thì bao giờ chúng tôi cũng có tội lỗi, không bao giờ mỗi việc gì cho khỏi. Ví như cá dưới nước sao khỏi ướt mình. Sự chán đời bao trùm sự hiểu biết nhiều tội lỗi, chớ tôi không chán ngán. Khi ấy tôi phải buộc lòng tu tâm dưỡng tánh, nhưng đã lỡ có gia đình, không thể theo mấy ông cho được. Tôi mới suy nghĩ ra, tu là tu, còn luật gia đình của Khổng Thánh cũng là tu. Bởi thế tôi cho là đời đạo song tu, vì thế ấy. Tôi suy nghĩ ra tôi phải tu, mà tu làm sao mới được, đây chữ tu tôi xin trả lời.

TU là một nền tảng điều hòa vững chắc, làm cho hung dữ hóa ra hiền. Tự làm lấy mà ăn, không sanh sự lý, lương tâm tôi bình tĩnh không xao động. Cũng có chữ: Tu là Tu trang, làm cho một cái nền trở nên đẹp đẽ, vững chắc, bằng thẳng. Chữ tu là trau dồi sửa đổi, ví như trong mình ta trí não Mâu Ni Châu là cục ngọc, làm cho hồn ta được trong sáng. Ðó là Pháp Luân Thường Chuyển, dồi mài cho thông khí, thời khí ta mới sáng. Hễ sáng thì thông minh làm ăn không thất bại, và trí ta dồi mài trao sửa, bỏ sự si mê u ám, trở nên một người sáng suốt. Ðây là cái nền tảng cốt giác của sự tu hành, là nguồn cội của nó, cùng làm ăn để nuôi gia đình, tối thì công phu luyện đạo, gọi là Ðời Đạo Song Tu.

Đức Tổ Sư cùng Gia Đình

 

 Lời Tự Thuật (Trích sách “Đời Đạo Song Tu”) 

Tôi là Đỗ Thuần Hậu, 78 tuổi ở Sa Đéc. 

Thưa các bạn, Trước khi tôi đặt lời nói trên bản sách này, tôi không ngần ngại về sự hèn nhát, dơ bẩn, những phê bình chỉ trích, vì chỗ cư trần nhiễm trần. Trong trần thế lấy sự vật chất hiện tại, còn đây nói về Vô Vi thuộc về phần hồn của Đạo. Hồn là thiêng liêng, còn Đạo thì sâu xa vô cực vô biên cũng là Điện Quang, bởi thế ấy nào ai thấy đặng, nên cũng như một người nói láo để gạt gẫm các bạn. Nhưng tôi không ngần ngại xấu xa ấy để lượm lặt nhiều kinh, nhiều sấm, đem những lời nói thiết thật sau đây mà tôi cũng không tin tôi là sự thật nữa. Khi các bạn công phu theo mấy đề mục tôi sẽ biếu, chịu khó trong một năm thì các bạn sẽ thấy những lời tôi nói ấy, thì sự hiệu quả hiện tại nó sẽ đi đến cho các bạn, còn công phu không hiệu quả thì không cần công phu nữa. 

 Trong mục lục công phu này có hiệu quả như sau: 

1. Những người lao động mỏi, mệt nhọc trở nên khỏe khoắn.
2. Những thanh niên thanh nữ bận rộn, bực tức thì đuợc sáng láng minh mẫn hơn. 

3. Công phu trong lúc ban đêm mất thì giờ chút ít, sáng đi làm việc lại khỏe khoắn hơn, đủ sức khỏe, dồi dào cũng như uống một thang thuốc bổ. Có sức lực vì nhờ sự hấp dẫn dưỡng khí thanh. 

4. Công phu làm cho Điện Quang là một khí nóng trong ngũ tạng sẽ thông cảm bản thể, cũng nhờ dưỡng thanh khí trong sạch để làm cho Điện Quang bản thể sức khỏe dồi dào, có sức mạnh, Điện được xung lên bộ đầu soi sáng chín lỗ gọi là Cửu Khiếu rộng ra, không lố bịch. Sự nóng giận, tham, sân, si, mỗi mỗi đều do sự nóng của bản thể bịt nghẹt không thông cảm; các bạn lúc Điện bịt nghẹt thì giận thêm, tham muốn tăng thêm. 

Nhờ công phu vận động bề ngoài bản thể nào là Soi Hồn, Pháp Luân, Tịnh, còn bề trong nhờ sáu chữ Di Đà phối hợp với dưỡng khí và Thanh Điện của Trời thì Điện có sức mạnh rút sự lố bịch của trí não ta, tâm tánh đều mát mẻ khỏe khoắn. Nhờ Pháp này thì chúng ta được hết sự sân, si, tham, trở nên một người hiền triết. Muốn cho không nhờ ai phù hộ ta, bởi thế Đức Phật truyền phép Lục Tự Di Đà để cứu các chứng bịnh ấy, nhưng tôi rút sự kinh nghiệm của phép này tôi suy nghĩ cũng chưa ra. Một lúc tôi nhớ lại đời Tần Thủy Hoàng đã đốt sách nhà Phật, sau nhờ mấy vị hiền triết đem lại bộ Kinh A Di Đà là một lời của Phật Di Đà nói lúc ban đầu, còn cuốn mà Đức Phật đã chỉ cho công phu thì mất hết. Sau đấy có nhiều ông đuợc tu thông cảm, thì tôi lượm được sáu chữ Di Đà nói theo ý công phu thì cũng không chỉ rõ ràng. Khi tôi vào học đạo của ông Cao Minh Thiền Sư có đưa ra cuốn Tánh Mạng Khuê Chỉ và Thanh Tịnh Kinh của Khổng Tử cũng chỉ về công phu mà không rành rẽ. Khi tôi được xuất hồn nhờ sự lượm lặt của tâm tánh sáng suốt của tôi, nhờ Phật Sự Ngài bố hóa làm cho minh mẫn hơn, nhưng tôi cũng không tin nơi tôi, buộc lòng tôi phải lấy chữ Tàu để hiểu tánh ý. Trong lúc nhà Phật giao thiệp với Đức Khổng Tử, nhà Phật hiểu Phật, còn Đức Khổng Tử cũng muốn hiểu Phật, bày ra một thứ chữ là một thứ dấu để cho đời sau được hiểu lời ăn tiếng nói, để thâu chép đời này qua đời kia cho đại chúng coi lấy để hiểu. Tôi muốn biết tánh ý của hai Ngài buộc lòng tôi phải chiết tự để hiểu, nhờ đó tôi được hiểu tánh ý của Thánh Phật trong chữ lời kinh để dạy ta tu hành. Nhờ sự thông cảm ấy, tôi lấy Kinh Di Đà cùng sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật tôi được hiểu rõ hơn, tôi công phu càng ngày càng sáng suốt hơn. 

Khi tôi công phu được xuất hồn, tôi làm cuốn Xuất Hồn và Mơ Duyên Quái Mộng để cho các bạn rõ, các bạn công phu từ đây được dễ hơn không ngần ngại. Nhưng tôi cũng không tin tôi, mà nhờ công phu đuợc sáng suốt các bạn cũng không nên tin các bạn, phải nghiên cứu hàng ngày để góp lại những ý kiến làm cho các bạn đi sau cảm mến về sự tu hành thì thấy sách này được thiết thật để lấy một cái mô giới căn bản. Các bạn sau công phu được điều chi hân hạnh cũng nghiên cứu rõ ràng, tiếp tục biên thêm theo cuốn sách này để cho những người sau muốn biết đạo dễ hiểu hơn. 

Làm tại Đa Kao, Rằm tháng giêng Tân Sửu (1961)