Please wait
LÀM SAO TƯƠI VÀ KHỎE MẠNH?
Con người phải biết rằng mình ở đây là mình học hỏi, là mình không có bao giờ mình chán đời.
Đức Thầy Lương Sĩ Hằng – Vĩ Kiên đàm đạo tại Thiền Đường Vancouver – 1988
Tại sao mà được trẻ lại? Khỏe lại? Là tại vì càng ngày thấy mình không có gì hết, còn những người mau già là thấy họ có tất cả. Họ có cái này, họ phải lo cho cái này, họ có cái kia, phải lo cho cái kia. Lo thét rồi khùng, rồi già hồi nào không hay. Tôi chết tôi cũng học hỏi, chút nữa bắn cái đùng rồi cũng đi học hỏi luôn, chứ không có làm gì hơn.
Thì con người mình biết là mình đang học hỏi chứ không phải là mình giỏi hơn người ta. Nếu mà cho mình giỏi hơn người ta là mình lạc hậu, không bao giờ tiến, vẫn học hỏi mãi mãi, vô cùng. Đó, Ông Trời mà còn xuống thế gian để học hỏi mà, học hỏi cái luật của mấy đứa con nó làm sao? Thấy không ? Thì mình làm mẹ, mình cũng học hỏi lại mấy đứa con. Tại vì đẻ nó ra thiệt, nhưng mà bây giờ nó đi học nhiều cái văn minh, bây giờ mình phải học hỏi lại của nó. Thì mới đúng đường lối tiến hóa, cái tâm thức nó mở, thì con người nó mới tươi trẻ và nó không có bệnh hoạn. Chứ đừng nói : « Tao mẹ mầy, tao sức mấy học mầy », trật rồi ! Nội cái chuyện mấy cái lá bài đó, mà còn không học, thì xịt lại không được (Thầy cười), nói chi mà học, mấy lá bài thôi ! Phải không? Phải học !
Cho nên con người phải biết rằng mình ở đây là mình học hỏi, là mình không có bao giờ mình chán đời, phải không? Chết rồi mình cũng tiếp tục học hỏi, mình đâu có chán, mình đâu có sợ chết. Sống cũng học hỏi mà chết cũng học hỏi ; rồi mình biết cái hồn bất diệt thì mình sợ cái gì mà… lo gì đi tới cái sự chết. Người ta tưởng là cái hồn là trường sanh ở thế gian, cho nên ngu muội… Sanh lão bệnh tử khổ rõ ràng, người nào cũng ôm lấy, mà nó nói: « Ô ! cái này không bao giờ chết đâu ! Hén, anh mà ăn như vậy, như vậy, là anh không bao giờ chết đâu ! » Thử coi ! Con muỗi không cắn cũng chết mà, phải không ? Cho nên đừng có phỉnh người, phải chấp con người là tới đây là học hỏi và tiến hóa. Rồi những người mà chế thuốc gì, thuốc gì đó, cũng là nói quảng cáo, phỉnh người ta chứ sự thật không phải. Chết sống do mình đây nè. Mình có cái xe, cái xác này là cái xe, mình biết sử dụng đúng lúc thì nó lâu chút thôi, xài lâu chút, mà tới thời kỳ nó cũng phải tiêu hà! Thấy không ? Nhưng mà cái tâm thức mình không bao giờ mất, nếu mình chịu học. Mà mình cứ ôm cái xác, cái xác nó tạo cái gì? Tạo sóng sông mê. Bây giờ chị nhìn bên ngoài thấy: Ô! người đó, nó đẹp, nó tốt nhưng mà nó tạo chị cái sóng sông mê tạm thôi, thực chất không có. Nhìn ở bên ngoài là không có thực chất. Mà nếu mình hiểu được mình và mình biết ở bên trong mình đó là mình ôm được cái thực chất để ra đi, đó là cái vốn.
Cho nên các cụ các bà cứ khoe nói : « Chị đó có năm đứa con trai mà bốn đứa con trai là bác sỹ rồi, tiền vô như nước » Mê ! Mê đó ! « Ui cha ! Gia đình đẻ sao mà phước đức quá, tiền vô như nước » Rồi nó không hỏi, đặt câu hỏi : « Rồi sao? Rồi nó đi đâu ? Rồi nó sẽ về đâu ? » Thì rốt cuộc nhìn lại nó cũng như mình trong học hỏi và tiến hóa. Thì lúc đó cái tâm mới bình đẳng được, không gây thù hận, ghen ghét. Khối này chấp khối kia là gây thù hận, ghen ghét, rồi tự đập mình, đập ngược lấy mình, tạo sự tăm tối cho chính mình. Không cởi mở, không bao giờ tiến, bị kẹt, không thấy đường.
Cho nên người tu là gì ? Tu là tu sửa chứ không phải tu là tu ăn hơn đâu. Tu là còn sửa nhiều hơn người thường. Người thường nó ăn nó nói bậy, chứ người tu phải sửa nữa, sửa, sửa, sửa. Sớm mơi mình lên làm bậy, trưa mình làm bậy, tối làm bậy, mình thấy mình sửa sửa sửa, nó mới tiến được. Mà càng sửa, con người nó càng khỏe, càng trẻ ra, mà không chịu sửa là bệnh nó càng ngày càng gia tăng : cái bệnh ăn thua, tâm bệnh, nó gây cái tâm bệnh càng ngày càng ngu muội, tranh chấp, không có lối thoát. Ngay trong gia đình chứ đâu, đâu cần phải đi ra xã hội hay tới xứ nào học, ngay trong gia đình mình. Trời mưa, trời nắng, thế gian đau khổ, là gì? Là toàn là bài học cho mình hết. Coi mình xây dựng được cái đức nhịn nhục để tiến hóa không? Nếu mà không chịu xây đựng đức nhịn nhục mà để mình học hỏi, không bao giờ mình tiến. Có tiền tôi mua cái radio ngoại quốc về tôi nghe, nhưng mà tôi không biết tháo, tôi không biết sửa, tôi không biết kiên nhẫn để tôi tìm hiểu cái cách sắp người ta từ đâu đến đâu, thì không bao giờ tôi sửa được cái radio mà tôi sử dụng cái radio, tôi cũng không thích thú được. Tôi bị lợi dụng bởi cái radio. Mà tôi hiểu nó rồi, nó không có bao giờ lợi dụng tôi được.
Cho nên người tu càng ngày càng sửa tánh hư tật xấu mới quán thông được mình. Đó, rồi mới thấy cái chơn tâm mình ở đâu ? Trực chỉ chơn tâm kiến tánh thành Phật là vậy. Phật là giải nghiệp quán thông, sửa chữa được mình mới giải nghiệp. Còn nếu mà không sửa chữa được tâm hồn của mình mà làm sao giải nghiệp? Cứ hướng ngoại không làm sao giải ghiệp?
Con người cầu mạnh khỏe mà không biết cái nguồn gốc mạnh khỏe nó ở đâu? Tại sao? Khi muốn biết mạnh khỏe, mình phải đặt cái câu hỏi tại sao tôi có cuộc sống? Cuộc sống làm sao có? Cái gì kêu bằng cuộc sống? Có gia đình, có nhà, có cửa, có xe hơi, nhà lầu, cuộc sống không phải ! Không phải ! Mà nếu không có cái vũ trụ này, không có cái trật tự của vũ trụ này đâu có cuộc sống ! Phải hỏi ra, thấy không ? Mà cái trật tự này, nó là gì ? Nó lộn xộn như chúng ta thì tiêu diệt hết rồi. Nó rất có trật tự.
Rồi nhìn lại chúng ta đã có trật tự chưa? Nếu ta có trật tự rồi là khỏe. Bước vô nhà, từ trên tới dưới đều có trật tự, có ngăn nắp hết. Mình đối diện với xã hội, chúng ta ảnh hưởng xã hội, đem cái trật tự cho xã hội. Đó là khỏe, đó là dưỡng sinh ! Chứ nhơn quần người ta thấy mình người ta ghét mà, đâu có phát triển được, người ta thấy, người ta phóng tà khí vô trong tâm mình rồi, làm sao khỏe được ? Mà người ta gặp mình người ta vui, mình muốn cho người ta vui với mình thì mình phải làm sao ? Mình phải trật tự trước hết. Thì những cái động loạn của họ đến với mình, mình sắp trật tự họ thấy, họ về, họ ảnh hưởng họ, họ sửa lại, thì họ cũng vui lây, cái xã hội nó tốt. Đó là khỏe mạnh đó. Thật sự khỏe mạnh.
Chứ ngủ dậy, dòm cái này cũng điên đầu, dòm đứa lớn cũng không có trật tự, rồi đứa nhỏ cũng không trật tự, dòm lại mình, mình la um sùm cũng không có trật tự nữa, làm cho rối loạn hết gia cang, làm sao phát triển? Bệnh, đó kêu là bệnh tâm bệnh. Không thấy vô nhà thương mà bệnh, la um sùm là bệnh tâm bệnh, giải quyết không được. Thì mình phải biết làm sao giải quyết mình, giúp đỡ mình trở về trật tự, mình mới hưởng được cái phần đó. Đó là sơ cấp, ít nhứt ở đời là phải có những cái trật tự đó mới là thấy một phần hạnh phúc thôi, còn tu học nó sẽ còn thấy nhiều hơn và nó triền miên ở trong tâm thức. Hạnh phúc đó vô cùng sống động và không có bao giờ bị tắc nghẽn, là sự sáng suốt vô cùng.