Please wait

Read this article in English

Cái phương pháp công phu không khác gì cái roi để đánh thức cái hồn.

Mỗi một hành giả Vô Vi đều có trách nhiệm lấy tâm lẫn thân. Tại sao lại có trách nhiệm tâm lẫn thân?

Đức Thầy Vĩ-Kiên thuyết giảng Khóa 2 – Thiền Viện Vĩ Kiên – 23.04.1986

 

Tại sao chúng ta lại cảm thấy hai chữ Vô Vi chúng ta thích ? Vô Vi là trong không không sự thanh nhẹ vô cùng. Càng ngày chúng ta càng tu, cảm thấy rằng chính tôi đã giải được nghiệp tâm và tôi cảm thấy có luồng điển rút trên bộ đầu và tâm tư tôi càng ngày càng được quân bình và thanh nhẹ. Tôi thấy vơi đi nỗi sầu, không còn sự chấp nhất trong tôi nữa và tôi thấy cần sự tiến hóa quan trọng. Càng ngày chúng ta càng nung nấu sự tiến hóa thì phần điển càng ngày càng thanh nhẹ. Sự thanh nhẹ đó đi đâu ? Gom tụ vào chơn giác. 

Chơn giác là sự hiểu biết vô cùng, không bị cướp mất, không bị trì trệ, liên tục, tùy cơ ứng biến, khai triển theo định luật. Cho nên chúng ta đã đi và đang đi. Mọi người chúng ta đi, đi trong thanh quang. Cho nên người đời dòm thấy người Vô Vi tại sao nó bỏ hết ? Thấy nó buông bỏ, càng ngày càng không cần thiết những chuyện ở thế gian mà mọi người đang mong chờ và muốn có sự đó, muốn có sự tranh chấp, muốn có sự sát phạt, muốn có sự hơn thua nhưng mà ngược lại, những người tu Vô Vi lại không có cái đó. Nó không có thể hiện bên ngoài nhưng mà chính nó liên tục xây dựng, trong nội thức của chính nó và để nó đi, đi trong thanh tịnh, đi trong cực kỳ thanh tịnh, trở về với bến giác sẵn có của chính nó. 

Mỗi một hành giả Vô Vi đều có trách nhiệm lấy tâm lẫn thân. Tại sao lại có trách nhiệm tâm lẫn thân? Vì chúng ta giáng lâm xuống thế gian đều ở trong kích động và phản động, trong đó nó có sự chia rẽ trong nội thức. Cho nên chúng ta tu, chúng ta lấy cái thanh điển cả càn khôn vũ trụ để khai hóa tâm trạng của chính ta, trở về với thanh tịnh sẵn có, kêu bằng hợp cơ quy nhất. Dùng trung tim bộ đầu liên hệ với cả càn khôn vũ trụ. Sự thanh nhẹ đó là vô cùng.

Mọi người hành giả Vô Vi đã và đang nắm, đã và đang đi nhưng mà trên đường đi không sao phải bị sự trở ngại. Trở ngại do đâu? Do thể xác của chúng ta, do tâm của chúng ta không ổn, tự cao mà không thấy rõ giá trị của tiến thân đi bằng cách nào?  Càng tu các bạn thấy rằng tôi thiếu thanh tịnh. Khi các bạn cảm thấy các bạn thiếu thanh tịnh là bạn có nghiệp trần, nghiệp tâm. 

Mà biết chúng ta có nghiệp tâm thì chúng ta đã có kỹ thuật để giải nghiệp tâm. Mỗi đêm soi hồn, pháp luân, thiền định để làm gì? Soi hồn để làm gì? Để tập trung và phóng từ điển sẵn có của chính chúng ta và liên hệ với từ điển của cả càn khôn vũ trụ, chư Phật chư Tiên cứu độ chúng ta, cho chúng ta càng ngày càng được thanh tịnh hơn, được sáng suốt hơn. Nhiên hậu mới thấy rõ giá trị tu học của chúng ta và không còn trì trệ nữa. Nếu chúng ta ngưng thực hành thì nó hướng về đâu ? Thấy rõ : trì trệ, động loạn, không giờ giấc nào cho chúng ta yên nghỉ. Giấc ngủ cũng mơ mộng, không đi đến đâu, không thanh tịnh. Cho nên cái phương pháp công phu không khác gì cái roi để đánh thức cái hồn.

Mỗi ngày các bạn soi hồn, rồi còn làm pháp luân thường chuyển đem cái thanh khí điển cả càn khôn vũ trụ vô, đánh đổ phần trược và điêu luyện nó trở nên thanh và xây dựng cho nó càng ngày càng mạnh tiến lên nữa. Các bạn ngồi thiền định đó để chi? Để phẳng lặng tất cả những sự dấy động. Khi mà các bạn làm pháp luân thường chuyển đó, là nó kích động các phương diện trong nội tạng, nội tâm, không có nẻo hóc nào mà được yên sau cái khí trời đưa vào, thì lập lại trật tự mới. Rồi khi lập lại trật tự mới rồi chúng ta thế nào? Chúng ta được thăng hoa. Cho nên các bạn đã làm được những cái phương pháp đó, các bạn cảm thấy càng ngày càng nhẹ, càng ngày càng tươi tắn. Rồi một ngày nào đó các bạn xuất khỏi thể xác rồi, các bạn đâu có gồ ghề như cái thể xác đang ngồi đây đâu, đâu có ôm sự nặng  trược như thể xác đang ngồi đây, đâu còn cái sự cầu xin u ơ nữa nhưng mà thực tiển khai triển mở nó ra từ nặng đi tới nhẹ mới là đúng luật. Luật trời là vậy. Tất cả xuống mặt đất đã và đang được điêu luyện hay là bị điêu luyện để có cơ hội tiến hoá. Vật chất đã và đang điêu luyện, tâm tư chúng ta không tiến không lý chúng ta thua vật chất sao?

Cho nên chúng ta càng ngày càng tu càng thấy mở trí hơn và tự chủ hơn. Thiếu tự chủ là bị xâm chiếm. Cho nên các bạn dùng cái phương thức nào để trợ cho tâm hồn tự chủ? Dùng nguyên lý của NMADDP để quy nhất tam giới mới đi tới tự chủ, còn phân tán tam giới không còn tự chủ, chỉ bị chia sẻ và động loạn, xâm chiếm mà thôi. Không có lý luận phàm tục, dùng cái lưỡi động loạn này đại diện cho ngũ tạng ô trược, thuyết bất minh, tạo trì trệ cho tâm lẫn thân.

Cho nên chúng ta dẹp cái đó để chúng ta hướng về trung tâm bộ đầu, nó mới đạt tới cái cơ quy nhất rõ rệt. Chỉ dùng điển mới giải tỏa được cái nghiệp tâm của ta. Nếu các bạn không dùng điển thì nghiệp tâm càng ngày càng tràn đầy và nó đưa bạn vô chỗ tăm tối, đâm ra độc tài, cống cao ngã mạn. Việc đó chúng ta đã làm và không tiếp tục làm nữa. Phải dứt khoát, tuổi tác không chờ đợi nữa!

Phải đi cho đến đích, để chữa xong cái bịnh này, tâm bịnh này đã mang nhiều kiếp rồi! Bây giờ phải tận trị cho nó dứt khoác cái bịnh này. Một người lương y, y sĩ muốn trị bịnh cũng có sự hợp tác của bịnh nhân mới trị được. Thì chúng ta là bịnh nhân, Thượng Đế muốn trị bịnh cho chúng ta, chúng ta không hợp tác với Thượng Đế, không bao giờ trị được. Mà cái cơ biến chuyển của cả càn khôn vũ trụ sắp tới đây là do đâu? Do nhơn sinh. Nhơn sanh bất đồng tạo loạn mới gây sự chém giết, phá hoại lẫn nhau; còn nhơn sinh đồng nhất thì không có cái chuyện đó.

Cho nên chúng ta ở đây đang làm cái gì? Đang sửa mình và trở về với quê xưa chốn cũ. Cảnh cũ của chúng ta là cảnh thái bình, không phải cảnh động loạn. Cho nên chúng ta phải học cho kỳ được, tu cho kỳ được. Tu để làm gì? Tu để đạt tới sự quân bình sẵn có của chính mình, nhiên hậu chúng ta mới quyết định con đường đi hay là ở. Dù chúng ta có lưu lại thế gian đi nữa, cái hạnh bồ tát phải xây dựng. Hạnh cứu độ vô cùng, hy sinh vô cùng, bằng lòng làm bất cứ việc gì trong tinh thần phục vụ chúng sanh như Thượng Đế đã và đang phục vụ chúng sanh, thì mới có cơ hội giải nghiệp tâm, mới có có hội hưởng được cái cơ nhàn hạ trong nội thức. Nếu chúng ta còn tranh chấp thì làm sao chúng ta được nhàn hạ? Chúng ta không có tranh chấp nữa. Không phải ngu. Không tranh chấp mà xây dựng, đó mới là đứa con ngoan của Thượng Đế. Tranh chấp mà không xây dựng, là ma quỷ phá hoại mà thôi.